Phần bình luận bùng nổ:
[Em cũng vậy, trước khi lấy chồng là nhân viên văn phòng, sau khi sinh con thì chìm đắm trong việc nhà, còn bị chồng trách móc đủ điều.]
[Chị còn không có thời gian đi họp lớp, con thì bảo mẹ chẳng đẹp đẽ gì cả.]
[Mẹ chồng không giúp, chồng không dung việc nhà. Cảm giác như chỉ cần cưới là tôi phải gánh cả gia đình chồng.]
Rất nhiều bình luận bày tỏ sự đồng cảm, kèm theo đó là hàng loạt tin nhắn riêng từ các thương hiệu muốn hợp tác với tôi. Mức giá họ đưa ra cao gấp hàng chục lần so với những quảng cáo nhỏ tôi từng nhận trước đây.
Tôi dần lấy lại bình tĩnh, từng bước tìm hiểu và học hỏi. Đồng thời, tôi cũng bắt đầu đọc những lời góp ý từ người theo dõi. Phần lớn trong số đó đều trùng khớp với những suy nghĩ trong lòng tôi.
Đúng là, tiền bạc có thể chữa lành được rất nhiều thứ.
Từ đó về sau, mỗi khi quay video, tôi lại cảm thấy tràn đầy động lực. Tôi ghi lại từng ngày mới trong cuộc sống của mình. Trong lúc tôi nỗ lực vươn lên, hai cha con ở nhà vẫn tiếp tục ăn đồ bên ngoài và mì ăn liền.
Ban đầu, con trai tôi ăn mì rất hào hứng. Nhưng dần dần, chỉ cần nhìn thấy mì gói là nó đã cảm thấy buồn nôn. Cuối cùng, họ cũng bắt đầu nhận ra rằng quần áo bẩn sẽ không thể tự giặt sạch và phơi khô được.
Khi trong nhà hết giấy vệ sinh, họ thà dùng đi dùng lại một tờ giấy, chứ không ai chịu ra ngoài mua. Con trai tôi liên tục không làm bài tập về nhà, còn tôi thì chẳng mảy may để tâm đến nữa.
Bao nhiêu năm qua, chồng tôi chính là người khiến cuộc hôn nhân này thất bại. Trong việc dạy con, anh ta luôn muốn làm người tốt, để tôi trở thành người xấu. Trước mặt con, anh ta thường xuyên nói rằng bản thân đã rất cố gắng, rằng việc nuôi sống gia đình không hề dễ dàng – nhưng chưa bao giờ nhắc đến những hy sinh mà tôi đã trải qua.
Khi tôi ngồi học cùng con, đôi khi bực quá quát mắng nó, anh ta liền lên tiếng bênh vực:
“Cần gì phải ép nó học đến thế? Con trai anh phải vui vẻ, cho nó chơi một chút thì có sao?”
Đến khi kết quả học tập được công bố, anh ta lại quay sang trách tôi:
“Cô dạy nó cái kiểu gì vậy? Điểm số tệ hại như thế!”
Tôi không cho con ăn vặt, anh ta lại lén dẫn nó đi ăn khuya:
“Anh thích vậy đó, ăn một chút thì có sao đâu!”
Khi con trai bị viêm dạ dày phải nhập viện, anh ta không hề suy xét, chỉ buông một câu lạnh lùng:
“Tất cả là tại cô, ai bảo cô cho nó ăn đồ ăn vặt.”
Khi tôi bắt đầu kiếm được tiền từ việc làm video, tôi quyết định đưa con trai đi chơi Disneyland. Suốt cả chuyến đi, tôi như một người giúp việc – lên kế hoạch, chuẩn bị đồ đạc, chi trả mọi thứ. Thế nhưng, khi đến nơi, con trai lại chạy đến ôm Lâm Tuấn, hồ hởi nói:
“Ba ơi, cảm ơn ba đã đưa con đi chơi!”
Tôi từng nghĩ, có lẽ do mình quá chi li, do mình sống quá tiết kiệm.
Cho đến một ngày, tôi vô tình bị đứt tay. Đó là lần duy nhất tôi mở lời nhờ Lâm Tuấn rửa bát giúp. Anh ta không làm, còn bảo con trai làm thay. Con trai không chịu, Lâm Tuấn lại đứng bên cạnh thêm dầu vào lửa:
“Mẹ con giờ biết cảm giác không phải rửa bát rồi đấy, lần sau chắc lại cố tình cắt tay nữa cho xem.”
Đó là lời của một con người sao?
Lòng tôi lúc ấy, như bị dao cứa từng nhát.
Nhờ có bố hậu thuẫn, thành tích học tập của con trai tôi cũng chỉ ở mức trung bình. Đó là kết quả của những đêm tôi miệt mài dạy dỗ, của những buổi đưa con đi học thêm, mưa nắng đều không quản. Mỗi ngày, tôi đều đội mưa đội gió chở con bằng xe máy, vậy mà chưa từng được nó tôn trọng. Trong khi đó, chỉ cần ba nó lái ô tô đến đón, nó liền tỏ ra biết ơn vô cùng, còn quay lại nói với tôi:
“Ba đi làm là chuyện bình thường, mẹ thì có làm được gì đâu?”
Đúng vậy, tôi chẳng làm được gì cả.
Tôi mở điện thoại, hủy hết các lớp học thêm còn chưa bắt đầu, gửi thông tin thầy giáo lớp năng khiếu cho Lâm Tuấn, rồi chặn liên lạc.
“Con trai tôi nói tôi không giúp gì cho nó trong chuyện học hành, rằng tất cả là nhờ anh. Vậy từ giờ, tôi sẽ làm đúng như lời nó nói. Anh hãy làm phần việc của mình. Tôi sẽ không quan tâm đến chuyện học hành của con nữa.”
Lâm Tuấn chỉ nhắn lại một câu:
“Cô định điên đến bao giờ?”
Người điên từ đầu đến giờ vẫn là tôi – điên cuồng muốn trở thành một người vợ, một bà mẹ toàn thời gian.
Những ngày qua, tôi một mình đi ăn, chỉ giặt quần áo của riêng mình, ngủ ngoài phòng khách. Đống quần áo bẩn của con trai đã chất đống mấy ngày, tất chân thì bốc mùi đến mức tưởng như có thể tự mình bò dậy. Còn về phần Lâm Tuấn, ngày nào anh ta cũng mua quần áo mới cho mình, thậm chí còn xịt nước hoa. Gần đây anh ta đặc biệt chú ý đến ngoại hình, mỗi ngày đều ăn mặc chỉn chu như một chú rể mới cưới.
Tôi cũng chẳng buồn quan tâm nữa.
Tôi không tin một người cha như thế lại có thể thực sự tốt với con. Nhưng con trai tôi lại tin, cả hai người đều nghĩ tôi chỉ đang giận dỗi, rằng rồi sẽ có một ngày, người giúp việc vô cảm này sẽ lại mềm lòng mà quay về như trước.
Nhưng thật không may, tôi sẽ không bao giờ trở lại như trước nữa.
Hôm nay trời mưa, mãi đến chiều vẫn chưa tạnh. Tôi đã chặn tin nhắn của thầy giáo lớp năng khiếu, thế là con trai mượn điện thoại của thầy, liên tục nhắn cho tôi:
“Mẹ lại lười biếng đúng không? Mưa lớn như vậy mà mẹ không đến đón con. Mẹ có phải mẹ con không? Có ai như mẹ không? Mẹ muốn con bị ướt rồi ốm đúng không?”
“Mẹ chỉ có một đứa con là con thôi, lớn lên con nhất định sẽ không nhận mẹ đâu!”
Ngay từ nhỏ, cách nói chuyện của nó đã y hệt như bố nó.
Đáng thương thật, nhưng tôi biết phải làm sao?
Tôi chỉ còn cách đi spa, làm thẻ thành viên, rồi ngâm mình trong suối nước nóng. Tận hưởng thư giãn – vì làm một người mẹ già, tôi đã cố gắng đủ rồi.
Chuyện này khiến cộng đồng mạng dậy sóng:
“Con trai gì mà nói chuyện với mẹ như thế, đúng là đẻ con đau thật sự!”
“Hay lắm chị ơi, chiến tiếp cho em!”
Đứa con ruột, chỉ biết ra lệnh với tôi một cách lạnh lùng, còn thua xa cô bé mồ côi mà tôi tài trợ – Nhược Mỹ – ít ra, cô bé còn biết gọi điện hỏi thăm tôi:
“Dì ơi, dạo này trời lạnh, dì nhớ giữ gìn sức khỏe nha. Từ khi được dì giúp đỡ, con lại giành được giải nhất lớp. Mỗi ngày con đều cố gắng hơn. Tất cả là nhờ động viên của dì, sau này lớn lên con nhất định sẽ báo đáp dì.”
Thật ra, số tiền tôi giúp cô bé không nhiều, so với những gì tôi đã chi cho con trai mình thì chẳng khác gì muối bỏ biển.
Một người xa lạ còn biết ơn, vậy mà đứa con ruột lại chỉ biết vong ân bội nghĩa. Lại còn là đứa con duy nhất của tôi?!
Trong đầu tôi chợt lóe lên một ý nghĩ táo bạo:
“Mỹ à, con có muốn làm con gái của dì không?”
Bình luận ()
* Hãy đăng nhập để tham gia bình luận về truyện nhé.