Có những người mẹ sẵn sàng trao cả cuộc đời để đổi lấy một nụ cười của con. Nhưng cũng có những đứa con, chỉ cần một lời từ chối là đủ để ghim trong lòng oán hận suốt đời…
Truyện mà bạn sắp đọc không phải là bi kịch của một người mẹ đơn thân – mà là lời cảnh tỉnh cho những trái tim hy sinh quá nhiều mà không dám đòi lại một lời biết ơn.
Một người phụ nữ đã từng chết vì con gái mình. Nhưng khi được sống lại một lần nữa, cô đã chọn cách im lặng… đứng nhìn con tự rơi vào hố sâu do chính nó đào ra.
Khi yêu thương mù quáng trở thành tội lỗi… liệu sự tha thứ có còn ý nghĩa?
Hãy cùng đọc hết câu chuyện và suy ngẫm!
*****
Khi con gái tôi – Thẩm Bạch Lam – vừa tròn hai tuổi, cuộc hôn nhân của tôi và chồng cũ cũng đi đến hồi kết.
Là một người mẹ đơn thân, tôi luôn lo sợ con gái mình sẽ lớn lên trong thiếu thốn tình cảm. Chính vì vậy, tôi đã cố gắng hết sức để bù đắp cho con, dù điều đó có nghĩa là phải hy sinh thời gian, tiền bạc và cả những giấc ngủ đêm.
Con bé từng nũng nịu đòi tôi mua kẹo cho bạn ở trường mẫu giáo, hay yêu cầu một chiếc bánh kem thật lớn để tổ chức sinh nhật cùng bạn bè trong lớp. Dù kinh tế chỉ vừa đủ lo toan sinh hoạt, tôi vẫn luôn đồng ý, chưa từng từ chối bất kỳ điều gì mà con mong muốn.
Đó cũng là lý do mà ở kiếp trước, khi con bé đòi mua một cuốn sổ xinh xắn, tôi đã mua ngay lập tức mà không mảy may suy nghĩ. Con bé yêu thích cuốn sổ ấy lắm, còn mang đến trường để khoe với bạn bè.
Thế nhưng, chỉ một ngày sau, con gái về nhà và đề nghị tôi mua thêm cho tất cả bạn học trong lớp mỗi người một cuốn giống hệt như vậy. Lý do là vì nhiều bạn đã khen cuốn sổ của con rất đẹp.
Đó là lần đầu tiên tôi từ chối con gái.
Không nói không rằng, con bé trừng mắt nhìn tôi một cái, rồi quay người bước thẳng vào phòng, cả buổi tối không buồn đoái hoài đến tôi. Mãi đến hôm sau, khi tôi mang về món bánh sầu riêng mà nó mê nhất, không khí căng thẳng giữa hai mẹ con mới dịu xuống.
Từ đó, những tình huống tương tự cứ thế lặp lại, và càng ngày càng nhiều. Đến tận khi con bé trưởng thành, đi làm kiếm tiền, tính cách ấy vẫn không hề thay đổi.
Khi ấy, dù cuộc sống đã có phần dư dả hơn một chút, tôi vẫn sẵn lòng mua cho con những bộ quần áo đẹp và túi xách mới, vì lương tháng của con chỉ hơn ba triệu, đủ trang trải sinh hoạt là hết.
Nhưng lạ lùng thay, những món đồ tôi mua chẳng mấy chốc lại biến mất. Thẩm Bạch Lam vẫn mặc lại những bộ đồ cũ, thậm chí đã lỗi thời.
Ban đầu, tôi tưởng rằng con gái vì ngại ngùng nên đã bán đi những món đồ ấy để có thêm chút tiền chi tiêu. Nghĩ vậy, tôi cũng không hỏi han gì nhiều.
Cho đến một ngày, tôi vô tình nhìn thấy tin nhắn của con bé với đồng nghiệp trên điện thoại. Hóa ra, tất cả những món tôi tặng đều được con đem cho người khác.
Trong đoạn trò chuyện, hai đồng nghiệp nữ liên tục xin xỏ con gái tôi từ những món nhỏ như son môi đến cả túi xách đắt tiền. Mỗi lần ngỏ lời, họ đều được con tôi đáp ứng.
Tôi quyết định ngồi lại, nói chuyện nghiêm túc với con.
Thế nhưng, khi tôi vừa mở miệng, Thẩm Bạch Lam lập tức bật dậy khỏi ghế sofa. Hai bàn tay con bé siết chặt, ánh mắt đầy giận dữ:
“Mẹ đã tặng con thì đó là của con. Con muốn dùng thế nào là quyền của con, mẹ không được can thiệp!”
Tôi cố giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng nhắc nhở:
“Nhưng tiền mẹ làm ra đâu phải tự nhiên mà có. Mẹ làm việc vất vả là để con có cuộc sống tốt hơn, chứ không phải để con mang tài sản đi giúp người dưng.”
Câu nói của tôi khiến gương mặt con bé đỏ bừng. Nước mắt lưng tròng, giọng nói như nghẹn lại:
“Mẹ lúc nào cũng mang đạo lý ra để ràng buộc con! Mẹ khổ là lỗi của con sao? Nếu không có con, mẹ chẳng lẽ khỏi phải làm việc chắc?”
Trước những lời oán trách bất ngờ ấy, tôi như bị chặn họng, nhất thời không biết phải phản ứng ra sao.
Con bé thấy tôi im lặng thì bật cười, nụ cười đầy ngạo nghễ và lạnh lùng:
“Nếu không phải mẹ ích kỷ, nhất quyết ly hôn với ba, thì con đâu phải lớn lên mà thiếu vắng tình thương từ cả hai phía!”
Cảm giác trong tim tôi như có điều gì đó vỡ vụn. Từng lời, từng chữ con bé nói ra như lưỡi dao cứa vào lòng.
Tôi nhớ rất rõ, sau khi sinh Thẩm Bạch Lam, chồng cũ chẳng hề quan tâm đến con. Mỗi lần tôi nhờ anh ta trông nom, thì y như rằng, con tôi hoặc bị sưng đầu, hoặc té ngã đến trầy trụa.
Vậy mà giờ đây, trong mắt con bé, người có lỗi lại là tôi – người mẹ đã gồng mình nuôi dưỡng con bằng tất cả sự tận tâm.
Sau trận cãi vã ấy, tôi không còn mua sắm quần áo hay túi xách gì cho con nữa. Tôi cũng ngừng hẳn việc cho con tiền tiêu vặt.
Không lâu sau, con gái bỏ nhà đi, tìm đến sống cùng cha nó.
Chồng cũ chẳng đưa gì nhiều, chỉ cho con năm trăm nghìn rồi khoe khoang sẽ giới thiệu một người bạn trai cho con bé.
Dựa theo lối suy nghĩ trọng nam khinh nữ của gia đình chồng cũ, tôi hiểu ngay: anh ta đang tính đường gả con để đổi lấy tiền sính lễ.
Tôi cố gọi điện khuyên nhủ con trở về nhà, nhưng đổi lại, con bé so sánh tôi với mẹ kế của nó, nói rằng mẹ kế tốt hơn tôi rất nhiều. Bà ta còn mua mặt nạ dưỡng da cho con bé đem đến công ty chia sẻ với đồng nghiệp, để gây dựng mối quan hệ tốt.
Tôi không biết là do quá phẫn nộ hay vì sự kiệt sức sau nhiều năm một mình gồng gánh mọi việc trong nhà, cuối cùng tôi đổ bện*** và phải nhập viện cấp cứu.
Khi tôi tỉnh lại sau ca cấp cứu, bác sĩ nói rằng con gái đã ghé thăm — nhưng chỉ ở lại chưa đầy hai tiếng đồng hồ rồi rời đi.
Tôi không bất ngờ khi con bé không đóng viện phí. Nhưng điều khiến tôi chết lặng là khi mở điện thoại định tự thanh toán thì phát hiện: toàn bộ số tiền trong tài khoản – đúng một trăm triệu đồng – đã bị rút sạch.
Kiểm tra lại thời gian giao dịch, tôi đoán ngay được ai là người đã thực hiện.
Linh cảm bất ổn trỗi dậy, tôi vội vàng gọi điện cho con gái để hỏi chuyện.
Quả nhiên, con bé thản nhiên trả lời rằng mình đã chuyển toàn bộ số tiền đó cho bạn trai cũ – một người tên Cung Vĩ – để anh ta mua nhà ở một thành phố hạng hai.
Tôi lập tức yêu cầu con bé liên hệ với Cung Vĩ để lấy lại tiền, vì viện phí của tôi đang chờ thanh toán.
Thế nhưng, những lời tiếp theo từ con gái lại khiến tôi chết đứng:
“Mẹ à, mẹ đừng điều trị nữa. Mẹ cũng lớn tuổi rồi, sống thêm mấy năm có ích gì? Mẹ mất đi chỉ là một mạng người, còn Cung Vĩ có thể mất cơ hội lập nghiệp cả đời nếu không mua được căn nhà đó.”
Con bé dừng một nhịp, rồi nói tiếp, giọng vừa trách móc vừa mang ý oán hận:
“Nếu mẹ không xen vào chuyện giữa con và Cung Vĩ ở kiếp trước, thì bọn con đã thành đôi rồi. Giờ mẹ xem đây là bù đắp đi.”
Nghe đến đây, toàn thân tôi lạnh toát, cơn giận bốc lên không kiểm soát. Bệnh tình vì thế mà chuyển biến nặng. Không được chữa trị kịp thời, tôi đã qua đời trong bệnh viện – âm thầm và đơn độc.
Khi tôi mở mắt lần nữa, thời gian như quay ngược. Tôi trở lại những ngày con gái còn học tiểu học, bé bỏng và vô tư.
Lần đó, Thẩm Bạch Lam chỉ tay vào một cuốn sổ xinh xắn in hình nhân vật hoạt hình Kuromi trong cửa tiệm văn phòng phẩm và nói muốn mua nó. Thay vì chiều theo như mọi lần, tôi chỉ bật cười lạnh nhạt rồi quay lưng bước đi.
Con bé chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì tôi đã rời khỏi cửa hàng.
“Ơ… Mẹ! Mẹ định đi đâu vậy! Con nói là con muốn cuốn sổ đó mà!”
Tiếng gọi đầy hốt hoảng vang lên sau lưng, nhưng tôi không quay đầu, chỉ lạnh nhạt đáp:
“Thích thì gọi cho ba con mà bảo ông ấy mua.”
Dựa theo những gì tôi biết được từ kiếp trước, thời điểm này vợ hai của chồng cũ vừa sinh con trai. Anh ta mải mê chăm lo cho gia đình mới, đến tiền trợ cấp năm trăm ngàn mỗi tháng cũng chẳng muốn gửi, nói gì đến chuyện bỏ thêm tiền cho Thẩm Bạch Lam mua sổ?
Lần đầu tiên bị mẹ đối xử lạnh lùng như thế, con bé đứng sững lại hồi lâu, rồi giận dữ lầm bầm:
“Được! Tìm ba thì tìm ba, ai thèm mẹ mua cho!”
Nó lôi chiếc đồng hồ điện thoại đeo tay ra, bấm số gọi đi. Nhưng đúng như tôi đoán, hết lần này đến lần khác, chỉ có tiếng “tút tút” lạnh lẽo vọng lại, chẳng ai bắt máy.
Không tin vào tai mình, con bé vừa đập vừa lắc chiếc đồng hồ, nước mắt rưng rưng:
“Ba… có phải ba đổi số rồi không?”
Tôi đã từng nghĩ, chỉ cần không ngăn cản con liên lạc với cha ruột, con gái sẽ cảm nhận được sự công bằng. Nhưng hóa ra, trong những cuộc gọi trước, nếu con chỉ hỏi han dăm ba câu, chồng cũ sẽ còn kiên nhẫn nói chuyện. Nhưng một khi đề cập đến chuyện mua đồ, thái độ của anh ta sẽ chuyển sang lạnh nhạt, thậm chí cố tình chọn những món rẻ tiền, gửi về nhà cho tôi lo khâu đổi trả.
Nhìn con bé ngồi sụp xuống, nước mắt lã chã, tôi không thể nói là không thấy đau. Dẫu gì con bé cũng chỉ là một đứa trẻ.
Nhưng cảm xúc đó vừa mới chớm thì lập tức bị dập tắt.
Con bé ngẩng đầu lên, mắt đỏ hoe, bất ngờ hét lớn:
“Mẹ đổi số điện thoại của ba trong đồng hồ của con đúng không? Có phải mẹ cố tình không cho con gọi điện cho ba không?!”
Ánh mắt phẫn nộ ấy như một nhát dao cứa sâu vào lòng. Tôi biết, có nói gì cũng vô ích, nên lặng lẽ kéo con đi quanh quẩn một hồi, tìm được một bốt điện thoại công cộng còn hoạt động:
“Con nhớ số ba mà? Vậy tự gọi đi.”
Con bé đứng im, nhìn chằm chằm vào điện thoại, không nhấc tay. Có lẽ trong lòng nó cũng hiểu, chuyện vừa rồi không thể trách tôi.
Tôi không muốn mang tiếng oan, liền nhét ống nghe vào tay con:
“Gọi đi.”
Con bé mím môi, do dự một hồi rồi bấm dãy số quen thuộc.
Bên kia bắt máy ngay – nhanh đến bất ngờ.
Con bé liếc tôi đắc ý, vừa định cất lời thì giọng lạnh tanh từ đầu dây bên kia vọng lại:
“Ai đấy?”
“Ba! Là con đây, vừa nãy con gọi…”
Bình luận ()
* Hãy đăng nhập để tham gia bình luận về truyện nhé.