Nó khóc nấc, toàn thân run lên, chỉ tay về phía anh trai:
“Không phải con... là anh, là anh làm…”
Tôi ghì lấy Trịnh Khánh Duy, giơ chai rỗng lên trước mặt nó.
“Biết không? Thứ này nếu đổ lên mặt, da sẽ cháy xém, cả đời không ai dám lại gần. Ai cũng sẽ gọi là quái vật.”
Thằng bé hoảng loạn, la hét, nước mắt nước mũi tèm lem.
Thậm chí sợ đến mức tè ra quần.
“Không phải con… không phải con… Là mẹ con… mẹ bảo tụi con làm!”
Tôi khựng lại.
Nhìn hai đứa trẻ run rẩy co cụm trên ghế sofa, tôi dần trấn tĩnh, thậm chí cảm thấy chút chua xót.
Tôi lau nước mắt cho chúng, thay quần áo sạch, rồi để cả hai ngồi im một góc.
Sau trận dọa nạt, chúng bỗng ngoan ngoãn lạ thường, chỉ ngồi lặng thinh, ánh mắt hoang mang, lén lút liếc nhìn tôi như sợ bị trừng phạt.
Tôi chỉ cần nhíu mày là cả hai đã co rúm người lại.
Dù rất giận, nhưng trong lòng tôi vẫn trào lên một thứ cảm xúc rất khó tả – vừa thương, vừa giận, vừa bất lực.
Chúng chỉ là những đứa trẻ mới năm sáu tuổi, còn chưa đủ lớn để hiểu đâu là đúng, đâu là sai.
Lỗi không phải ở chúng.
Mà là ở người phụ nữ đã chen vào gia đình người khác, rồi nhồi vào đầu con mình thứ độc dược mang tên hận thù.
Và là ở người đàn ông đã không còn chút lương tâm nào với vợ con.
Tôi trở về phòng, cố giữ nhịp thở đều lại, gắng tìm chút bình tĩnh trong hỗn loạn.
Mọi chuyện giờ đã rõ ràng.
Dù Trịnh Minh Thành chưa chính thức mở lời, nhưng với người phụ nữ kia cùng hai đứa con làm “vu khi”, chuyện ly hôn chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nỗi đáng sợ nhất không phải là mất chồng, mà là nguy cơ bị ép ra đi tay trắng.
Với tình hình hiện tại, tôi thừa hiểu mình không thể đối đầu trực diện với Trịnh Minh Thành.
Từ nhỏ đã không có cha, không anh em ruột thịt, mẹ thì hờ hững, họ hàng coi tôi như gán***.
Ngày tôi kết hôn, chỉ có bà ngoại lặng lẽ đến dự, dúi cho tôi hai trăm nghìn, rồi rời đi ngay mà chẳng dùng nổi một bữa cơm.
Sau này, khi Trịnh Minh Thành bắt đầu có tiền, cậu mợ xuất hiện với gương mặt tươi rói, tay xách quà tới “nhận họ”.
Tôi biết rõ lý do họ đến – là vì lợi ích.
Thế mà lòng tôi vẫn thấy vui.
Cậu nhìn tôi cười cợt: “Từ nhỏ tôi đã biết con bé Tuyết sau này sẽ thành đạt, giờ thấy chưa, tôi đoán đúng mà.”
Ông ta quên rồi.
Hồi tôi còn nhỏ, chỉ vì bà ngoại âm thầm mua cho tôi cây kem, ông ta không chỉ giật lấy mà còn quát mắng, rồi phạt tôi nhịn cơm nguyên một ngày.
Mợ thì cười nói:
“Trịnh Minh Thành lấy được con Tuyết là phúc phần nhà mình. Con bé sinh ra đã mang lộc.”
Bà ta cũng quên rồi.
Trước đây, mợ thường rủa tôi là đồ xui xẻo, là đứa cứng đầu, ai dây vào sẽ khốn cả đời.
Giờ tất cả như chưa từng xảy ra.
Tôi thì nhớ như in, nhưng vẫn giả vờ quên.
Họ nói rất nhiều – nào là từng thương tôi ra sao, hy sinh cho tôi thế nào – cuối cùng cũng chỉ để vay tiền.
Tôi mỉm cười, quay sang nhìn Trịnh Minh Thành:
“Tôi dốt nát từ nhỏ, số cũng chẳng may mắn, nên mọi việc lớn trong nhà đều do anh ấy quản lý. Cậu mợ muốn mượn, thì cứ hỏi Trịnh Minh Thành.”
Trịnh Minh Thành không nói một lời, chỉ bước ra mở cửa… mời khách.
Thế là hết.
Tôi hiểu mình không thể trông chờ vào ai.
Trịnh Minh Thành biết điểm yếu của tôi. Biết tôi không có chỗ dựa, nên càng ngày càng lấn lướt.
Anh ta nghĩ tôi yếu đuối, nghĩ tôi không thể sống nổi nếu rời khỏi anh ta.
Nhưng khi một người bị dồn đến chân tường, họ có thể liều mạng để thoát ra.
Dù vậy, tôi cũng thừa hiểu, nếu thật sự chống lại Trịnh Minh Thành, anh ta sẽ có đủ chiêu trò khiến tôi và con gái phải chịu khổ sở gấp bội.
Lúc nhận được khoản đền bù từ vụ phá nhà, tôi khuyên anh ta dùng tiền để mở một cửa hàng nhỏ, buôn bán ổn định, tránh rủi ro.
Anh ta hừ mũi, khinh khỉnh:
“Chỉ có đàn bà mới nghĩ nhỏ nhen như thế. Tôi làm lớn!”
Và rồi anh ta “làm lớn” thật.
Bỏ ra hai tỷ đầu tư vào một khu chợ đầu mối, chưa kịp khai trương thì chủ đầu tư đã biến mất, tiền mất sạch.
Có năm giá tỏi lên cao chóng mặt, anh ta lại bỏ một tỷ ra mua tại ruộng với giá 25 ngàn một ký.
Kết quả, khi giá rớt xuống chỉ còn 8 ngàn, đến bán cũng không xong.
Mua chiếc xe nửa tỷ, chạy vài hôm chê xấu, cho bạn mượn.
Rồi lại mua thêm chiếc khác gần một tỷ, nói là “lái mới đã”.
Có bạn cưới, mượn xe làm xe hoa.
Và rồi tai nạn xảy ra. Có người chết tại chỗ.
Trịnh Minh Thành không phải người cầm lái, nhưng vì xe đứng tên anh ta nên vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới.
Tài xế thì trốn biệt, còn gia đình nạn nhân thì kéo đến tận nhà đòi công lý.
Trịnh Minh Thành quỳ sụp trước mặt tôi, gào khóc, đập đầu, đòi treo cổ, cầu xin tôi giúp đỡ.
Tôi nhìn con gái còn đỏ hỏn trong nôi, cuối cùng cắn răng bán luôn căn nhà cha để lại.
Mẹ con tôi phải chuyển ra nhà thuê, sống chật vật suốt nửa tháng.
Tôi không phải không dám ly hôn vì tiếc nuối những gì đã cho đi, mà bởi sau khi Trịnh Minh Thành phá tan gia sản, anh ta lại chuyển sang con đường làm ăn không vốn.
Người ta gọi đó là “kinh doanh tài chính” – không phạm pháp, nhưng vô đạo đức.
Vay từ tay này, chuyển qua tay kia, ăn lãi chênh lệch.
Kiểu làm ăn này, thủ đoạn cũng chẳng đơn giản.
Tôi không dám manh động, không dám nói đến chuyện ly hôn.
Tôi sợ, sợ anh ta sẽ nổi điên làm điều gì vượt quá giới hạn với tôi và con gái.
Tôi bước ra khỏi phòng, hai đứa trẻ vẫn ngồi thu lu ở ghế sofa, không nói một lời.
Nhìn cảnh ấy, trong lòng tôi dấy lên cảm giác ngượng ngùng và day dứt.
Người lớn gây nên bao sai lầm, rốt cuộc lại bắt trẻ con phải gánh chịu hậu quả.
Tôi cũng chẳng tốt đẹp gì. Không dám đối mặt với người gây ra mọi đau khổ, lại trút giận lên hai đứa bé con không biết gì.
Tôi thở dài, vào bếp nấu hai bát mì, đặt trước mặt chúng.
Nhưng chúng không dung đũa. Chỉ lặng lẽ ngồi đó, ánh mắt đăm đăm hướng về phía cửa ra vào.
Tôi hiểu ánh mắt ấy quá rõ.
Nó chẳng khác gì ánh mắt tôi mỗi lần đứng ở nhà bà ngoại, mong mẹ trở về.
Dù lần nào mẹ cũng chỉ ghé qua đưa tiền rồi đi ngay, không buồn nhìn lấy một cái.
Dù vậy, tôi vẫn luôn thấy vui.
Tôi lắc đầu, dứt khỏi dòng hồi tưởng.
Không thể yếu lòng lúc này. Tôi cần tính toán. Nếu hai đứa nhỏ kể lại những gì vừa xảy ra, Trịnh Minh Thành mà nổi đóa thì sao?
Tôi phải chuẩn bị trước một bước đi khôn ngoan.
Trời như chiều lòng người – khi tôi còn chưa nghĩ ra giải pháp, Trịnh Minh Thành đã loạng choạng trở về trong cơn say.
Hai đứa nhỏ không phân biệt được anh ta say hay tỉnh. Vừa thấy cha, chúng lao đến, òa khóc như vỡ òa mọi ấm ức.
“Khóc gì mà khóc lắm thế?”
Bình luận ()
* Hãy đăng nhập để tham gia bình luận về truyện nhé.