Người ta vẫn nói, hôn nhân là chiếc gương phản chiếu bản chất của tình yêu. Có người càng sống chung càng yêu sâu sắc, càng quý trọng người bên cạnh. Nhưng cũng có người, càng sống chung… lại càng học được cách tổn thương nhau giỏi hơn.
Có những người phụ nữ bước vào hôn nhân bằng tất cả lòng tin, bằng cả trái tim nguyên vẹn và sự dịu dàng không toan tính. Họ nghĩ rằng, chỉ cần mình đủ tốt, đủ hiểu chuyện, đủ hi sinh, thì người kia sẽ biết trân trọng mình.
Nhưng tiếc thay, cuộc đời không phải là ván bài công bằng. Người biết nhường nhịn thường là người chịu tổn thương sâu nhất. Người cam tâm làm nền cho hạnh phúc người khác… cuối cùng lại bị coi là điều hiển nhiên, là “có thì tốt, mà không có thì cũng chẳng sao”.
"Một Lần Tỉnh Mộng" là câu chuyện của một người vợ như thế. Cô đã yêu, đã hi vọng, đã chịu đựng... đến tận Bảy mươi bảy lần thất vọng.
Mỗi lần bị đặt sau một người phụ nữ khác. Mỗi lần chồng cô chạy đến bên “người mẹ đơn thân đáng thương” kia với lý do “vì cô ấy cần anh hơn em”. Mỗi lần cô nói: “Không sao, chỉ lần này thôi.” Và rồi những lần “chỉ lần này” nối tiếp nhau đến vô tận.
Cô đã từng cố gắng làm người vợ hiểu chuyện. Cố gắng bao dung. Cố gắng tin vào điều tốt đẹp.
Nhưng đến một ngày, khi đứa con cô mong mỏi sảy đi trong cô đơn vì chồng bận “chơi với con của người khác”… cô đã hiểu: thứ tình yêu không ưu tiên mình ngay cả khi mình đau đớn nhất, không còn xứng đáng để giữ nữa.
Cô lựa chọn rời đi. Không oán trách. Không níu kéo. Không đánh ghen, không làm ầm lên, chỉ lặng lẽ bước ra khỏi vũng lầy cảm xúc – nơi người ta gọi là “hôn nhân” nhưng thực chất là “một mình gồng gánh”.
Sau chia tay, cô đi du học, sống ở châu Âu, bắt đầu một cuộc đời mà chính cô mới là người nắm tay mình. Không còn trông đợi người khác bảo vệ, cô học cách yêu lấy chính bản thân, sống đúng với đam mê và lý tưởng của mình.
Và khi người cũ quay lại, cô chỉ mỉm cười nói:
"Người em cần tin tưởng, là chính em."
"Một Lần Tỉnh Mộng" không phải là bản tình ca buồn. Đó là khúc nhạc dạo của sự hồi sinh. Là câu chuyện của bất kỳ ai từng tổn thương vì yêu, nhưng rồi dũng cảm đứng dậy để yêu mình hơn.
Mời bạn cùng đọc câu chuyện đầy cảm xúc này. Và nếu bạn từng thất vọng, từng bị đặt sau người khác... hy vọng rằng, bạn cũng sẽ có một lần tỉnh mộng – để bắt đầu lại, vì chính bạn.
*****
Ngày 7 tháng 7 không chỉ là sinh nhật của tôi, mà còn là ngày kỷ niệm cuộc hôn nhân giữa tôi và Phan Duy Khang. Mỗi năm đến dịp này, chúng tôi đều cùng nhau lên kế hoạch đón mừng một cách đặc biệt. Vì vậy, ngày 6 tháng 7 năm nay, tôi vui vẻ ngồi cạnh anh, hào hứng đề xuất lịch trình cho ngày mai.
"Hay là mình cùng nhau làm một chiếc bình thủy tinh nhé? Em nhớ anh từng rất thích mấy hoạt động như vậy. Sau đó mình đi ăn bò Wagyu, món mà anh vẫn mong thử. À, còn bộ phim mới ra mà anh bảo muốn xem nữa, mình đi luôn nha?"
Tôi cứ thế say sưa nói, còn chưa kịp kể hết thì Phan Duy Khang đã nhíu mày, ngắt lời tôi bằng giọng điệu đầy áy náy.
"Nhiên Nhiên... chắc anh không thể đi cùng em rồi. Di Di gọi điện nhờ, con trai cô ấy có một cuộc thi thể thao cha con, cô ấy không xoay xở được, nên anh phải đi thay."
Nụ cười trên môi tôi lập tức đông cứng lại. Tôi nhìn anh, nhẹ giọng hỏi: "Lại là Lâm Thiên Di sao?"
Phan Duy Khang im lặng, còn trong lòng tôi bắt đầu dâng lên cảm giác khó chịu lạ lẫm. Tôi vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, tiếp tục hỏi.
"Chẳng phải cô ấy có thể không tham gia những hoạt động như vậy sao? Anh định xuất hiện với tư cách gì ở đó? Là cha của con cô ấy à? Cô ấy không có bạn bè nào khác có thể nhờ vả sao?"
Anh nhìn tôi, ánh mắt thoáng chút bực bội.
"Nhật Huy do anh nuôi từ nhỏ. Nếu người khác đi cùng, thằng bé sẽ không chịu, lại khóc lóc thôi." Vừa nhắc đến đứa bé đó, ánh mắt Phan Duy Khang dịu lại, mang theo một thứ cảm xúc gần như là trìu mến.
Quay sang tôi, anh chau mày: "Chỉ là một đứa trẻ, em so đo với nó làm gì?"
Tôi lạnh lùng quay lưng trở vào phòng, nhưng Phan Duy Khang nắm lấy tay tôi, trong giọng anh lộ rõ sự bực bội.
"An Nhiên! Em đòi hỏi vậy là quá rồi đấy. Chẳng phải chỉ là ngày kỷ niệm thôi sao? Anh sẽ bù cho em sau, chẳng phải được sao? Còn Di Di thì sao? Cô ấy đã khổ lắm rồi, anh không giúp thì ai giúp cô ấy chứ!"
Anh nhìn tôi, ánh mắt đầy thất vọng: "Em lúc nào cũng nhạy cảm, không trách bố mẹ em lại bỏ em đi..."
Câu nói đó như một nhát dao găm thẳng vào tim tôi.
Ba năm trước, vào ngày anh ngỏ lời cầu hôn, chúng tôi từng bàn bạc chọn ngày đăng ký kết hôn. Chính anh là người đề xuất lấy ngày sinh nhật của tôi làm ngày cưới.
Lúc đó, tôi đã do dự rất lâu, rồi kể cho anh nghe câu chuyện đau lòng nhất đời mình. Năm tôi bảy tuổi, bố mẹ đưa tôi đến KFC để tổ chức sinh nhật, nhưng khi lấy cớ đi mua bánh, họ đã bỏ mặc tôi ở đó, và từ đó biến mất khỏi cuộc đời tôi.
Khi nghe xong, anh nắm chặt tay tôi, trong mắt ánh lên sự xót xa.
"Nhiên Nhiên, anh biết ngày sinh nhật ấy gắn liền với một kỷ niệm tồi tệ. Vậy thì mình hãy dùng chính ngày đó để tạo nên ký ức mới – ngày cưới của hai ta. Để em không còn nhớ đến những chuyện buồn nữa, mà chỉ nhớ rằng đó là ngày chúng ta bắt đầu cuộc sống hạnh phúc."
Tôi đã mở lòng, cho anh thấy vết thương sâu nhất trong lòng mình. Thế nhưng hôm nay, chính anh lại dùng điều đó để làm tôi đau thêm một lần nữa.
Tôi đứng lặng, cố nén nỗi chua xót, hỏi một câu duy nhất.
"Anh nói đi, đến khi nào anh mới thực sự tập trung vào gia đình của chúng ta?"
Phan Duy Khang lảng tránh ánh mắt tôi, lí nhí: "Anh nghĩ em tự lo cho bản thân mình được. Chúng ta chưa có con. Còn Di Di và Nhật Huy... họ không thể thiếu anh được."
Nhìn thấy sắc mặt tôi sa sút, anh liền nói nhỏ, gần như biện hộ cho mình: "Chờ đến khi chúng ta có con, hoặc khi Nhật Huy lớn hơn một chút... mọi thứ sẽ khác."
Từng lời của anh như từng tảng đá đè nặng lên tim tôi. Tôi mệt mỏi đến mức không muốn nói thêm điều gì nữa.
"Được rồi. Ngày mai anh cứ đi đi. Em ở nhà một mình cũng được."
Phan Duy Khang lập tức rạng rỡ, ôm chặt lấy tôi như vừa được tha bổng.
"Nhiên Nhiên, anh biết ngay em là người hiểu chuyện nhất."
Nhưng chưa đầy ba giây sau, anh đã buông tôi ra và nhanh chóng gọi cho Lâm Thiên Di, giọng đầy phấn khởi: "Di Di, mai anh đến đón em với Nhật Huy nhé..."
Sáng hôm sau, Phan Duy Khang dậy từ rất sớm. Vừa thay đồ, anh vừa ngân nga vài câu hát, giọng điệu đầy phấn khởi. Vừa chọn áo sơ mi trong tủ, anh vừa nói chuyện điện thoại với vẻ mặt rạng rỡ.
“Nhật Huy, yên tâm nhé! Hôm nay chú sẽ diện thật bảnh để con tự hào. Mẹ con thì sao rồi, cô ấy trang điểm xong chưa? Chú đang trên đường đến đón hai mẹ con đây!”
Tôi ngồi trên giường, lặng lẽ nhìn người đàn ông ấy. Khoảnh khắc đó, tôi như kẻ đứng ngoài nhìn vào một gia đình ba người trọn vẹn—họ mới là một thể thống nhất, còn tôi chỉ là người xen ngang không đúng lúc.
Khi Phan Duy Khang cúp máy, quay lại thấy tôi đã tỉnh dậy, anh lập tức bước đến gần, cố gắng dỗ dành bằng giọng ân cần.
“Nhiên Nhiên, hôm nay em cứ thoải mái mua sắm đi nhé. Thẻ của anh đây, muốn mua gì thì cứ mua.”
Anh lấy từ ví ra một chiếc thẻ, đưa cho tôi. Thấy tôi không đón lấy, anh đành đặt lên tủ đầu giường. Rồi anh cúi người, định áp má vào tôi như một cử chỉ dịu dàng quen thuộc, nhưng chưa kịp chạm đến, tiếng chuông điện thoại lại vang lên, khiến anh dừng lại giữa chừng.
“Di Di à, mọi người chuẩn bị xong rồi hả? Ừ, được rồi, anh tới ngay. Năm phút nữa anh sẽ có mặt.”
Vừa dứt lời, anh đã vội vàng rời khỏi phòng, tay cầm điện thoại, bước chân nhanh như sợ chậm trễ sẽ lỡ mất điều gì đó quan trọng.
Tôi vẫn ngồi yên trên giường. Không dung đến chiếc thẻ kia, cũng chẳng còn tâm trí ra ngoài. Cuối cùng tôi lặng lẽ bước xuống bếp, lấy một quả trứng cùng ít rau trong tủ lạnh, tự tay nấu cho mình một bát mì mừng sinh nhật.
Khi bưng bát mì ra bàn, tôi mở điện thoại như thói quen, lập tức hiện lên hàng loạt tin nhắn từ Lâm Thiên Di.
Cô ta gửi rất nhiều hình ảnh, kèm theo một tin nhắn khiến lòng tôi trĩu nặng.
“Chị Nhiên à, Phan Duy Khang có nói hôm nay là ngày kỷ niệm của hai người, em thật sự xin lỗi. Em cũng không ngờ vào một ngày quan trọng như vậy, anh ấy vẫn chọn đến bên mẹ con em. Em gửi chị vài bức ảnh nhé... để chị cũng có thể cảm nhận được không khí hôm nay.”
Tôi run tay mở những bức ảnh ấy.
Một tấm là cảnh Phan Duy Khang ôm Lý Nhật Huy, gương mặt rạng rỡ như ánh mặt trời. Một tấm khác là khoảnh khắc anh cùng cậu bé tham gia các hoạt động thể thao, vẻ mặt vô cùng mãn nguyện. Trong tất cả những tấm ảnh ấy, ánh mắt của Phan Duy Khang luôn đổ dồn vào đứa trẻ, dịu dàng và cưng chiều đến khó tin.
Lâm Thiên Di cũng không vắng mặt. Cô ta xuất hiện trong vài tấm hình, khi thì đứng bên cạnh anh, tay khoác lên cánh tay anh rất tự nhiên, đầu tựa nhẹ vào vai anh như thể họ vốn dĩ thuộc về nhau. Cả ba đều cười rạng rỡ, như thể đang sống trong một bức tranh gia đình hạnh phúc.
Nếu người đàn ông trong những tấm ảnh ấy không phải là chồng tôi, có lẽ tôi sẽ mỉm cười mà thốt lên: “Một gia đình ba người thật đầm ấm! Nhìn vào mà thấy ngưỡng mộ.”
Nhưng trớ trêu thay, anh ta lại chính là người đang mang trên tay chiếc nhẫn cưới tôi tặng, là người mà tôi gọi là chồng.
Bụng tôi quặn lên từng đợt, cảm giác buồn nôn xộc thẳng lên cổ họng. Tôi vội chạy vào nhà vệ sinh, nôn sạch cả bát mì vừa ăn. Mùi tanh và vị đắng nơi đầu lưỡi khiến tôi chỉ muốn gục ngã.
Tôi trở lại phòng khách, mở ngăn tủ, lấy ra món quà kỷ niệm ngày cưới đã chuẩn bị từ trước cho Phan Duy Khang. Tôi ngắm nhìn nó hồi lâu, trong lòng chồng chất những cảm xúc khó tả—có lẽ là tiếc nuối, có lẽ là giận dữ. Cuối cùng, tôi vẫn đặt nó vào thùng rác ngay gần cửa ra vào. Chiếc thùng vừa mới được thay túi mới, sạch sẽ, nổi bật giữa phòng—như thể đang chờ sẵn để đón lấy sự hụt hẫng này.
Tôi không muốn tự tay đưa món quà ấy cho anh, nhưng vẫn ôm một chút hy vọng mong manh, rằng anh sẽ để ý và nhận ra chút giận dỗi ngấm ngầm trong tôi.
Thế nhưng, đến tận mười một giờ đêm, Phan Duy Khang vẫn chưa trở về nhà. Điện thoại reo lên, giọng anh vang lên trong loa.
“Nhiên Nhiên, anh còn một chút việc... chắc hôm nay không về kịp đâu. Em đừng thức chờ nhé.”
Một chút ngập ngừng, rồi anh lắp bắp bổ sung: “À, là chuyện công ty.”
Cả đêm hôm đó, anh không quay về.
Tôi vẫn ngồi đợi, lòng vẫn nuôi hy vọng. Hy vọng rằng khi về nhà, anh sẽ phát hiện ra món quà bất ngờ nằm ngay cạnh cửa—dù là trong thùng rác. Nhưng rốt cuộc, tôi lại ngủ gục trên ghế sofa, trong tư thế chẳng hề dễ chịu.
Khoảng hơn sáu giờ sáng, tiếng rung điện thoại khiến tôi giật mình tỉnh giấc.
Là tin nhắn của Phan Duy Khang.
Bình luận ()
* Hãy đăng nhập để tham gia bình luận về truyện nhé.