Ký Ức Không Tên - Chương 02

Ký Ức Không Tên

Chi Mèo 17/05/2025 21:59:57

Chị tôi bật cười vui vẻ: “Khải Lâm á? Anh ấy tròn trĩnh như một cục bông, người không cao lắm, mặt tròn xoe, nhìn cực kỳ hiền hậu!”


Toàn thân tôi chợt nổi da gà.


Vì mới hồi tối, bố tôi còn nói rằng Khải Lâm cao hơn cả bác cả tôi – người cao tận mét tám lăm.


Vậy mà giờ, chị họ lại miêu tả anh ấy như một người thấp bé, tròn trịa, có gương mặt vui vẻ.


Sau cuộc gọi đó, tôi tiếp tục hỏi thêm vài người họ hàng khác.


Điều khiến tôi kinh hãi là… ai cũng tỏ ra rất “nhớ” Khải Lâm, nhưng tuyệt nhiên không ai xác định được anh là con ai trong dòng họ.


Tệ hơn, mỗi người lại miêu tả anh ta một kiểu khác nhau – chiều cao, vóc dáng, cả khuôn mặt cũng chẳng ai giống ai.


Sáng hôm sau, tôi lặng lẽ bước vào thư phòng cũ của ông nội, lần giở từng trang cuốn gia phả dày cộp, mong tìm được manh mối nào đó.


Thế nhưng, dù tôi đã tra kỹ từng dòng từng chữ, cái tên “Khải Lâm” vẫn hoàn toàn không xuất hiện.


“Tiểu Chi, con tìm gì thế?” Giọng cô vang lên từ sau lưng khiến tôi giật mình quay lại.


Tôi nhanh chóng đóng cuốn sách lại: “Con đang xem gia phả ạ. Cô còn nhớ chuyện hồi nhỏ của anh họ Khải Lâm không?”


Cô mỉm cười, vẻ mặt tràn đầy hoài niệm: “Tất nhiên là nhớ rồi. Hồi bé nó nghịch lắm, suốt ngày lẽo đẽo theo bố con, học hết cái này đến cái kia, chẳng chịu ngồi yên bao giờ.”
Tôi ngập ngừng hỏi: “Vậy cô có ảnh của anh ấy không ạ?”


Nụ cười tươi trên gương mặt cô bỗng khựng lại, rồi cô ậm ừ đáp: “Ảnh á? Chắc là có đấy…”


Cô lục tìm trong điện thoại rất lâu, lướt qua từng thư mục, từng tấm ảnh, nhưng rõ ràng là không tìm thấy gì. Cuối cùng cô cười gượng, cất điện thoại vào túi: “Ảnh nhiều quá, cô tìm mãi không ra.”


Tôi gặng hỏi thêm: “Thế bây giờ anh ấy đang ở đâu ạ? Mấy năm nay con chẳng thấy anh ấy gọi điện hay ghé qua nhà lần nào.”


Gương mặt cô càng lúc càng hiện rõ vẻ bối rối. “Ơ… Nó vẫn hay liên lạc mà? Tết năm nay nó còn về nhà mình cơ mà?”


Tôi nhìn thẳng vào mắt cô, chậm rãi nói: “Nhưng con thật sự không có bất kỳ ký ức nào. Con cũng đã kiểm tra kỹ điện thoại rồi, không có lấy một bức ảnh nào có mặt anh ấy cả.”


Cô tôi chững lại, ánh mắt thoáng chút ngỡ ngàng. Một lúc sau, cô thở dài rồi nói nhỏ: “Tâm Chi à, có khi con làm việc mệt quá rồi. Có thể là đầu óc căng thẳng quá nên quên mất thôi. Người thân thiết như vậy, sao mà quên được chứ?”


Tôi không đáp lại. Bởi giờ đây, mọi điều tôi cảm nhận rõ ràng là: tất cả mọi người xung quanh đều tin chắc Khải Lâm từng tồn tại, duy chỉ có tôi là không hề có chút dấu vết gì về anh ấy trong trí nhớ.


Chiều hôm đó, cả gia đình cùng nhau đi viếng mộ tổ tiên.


Trên đường trở về, cháu gái nhỏ của tôi đột nhiên cất tiếng hỏi: “Mẹ ơi, chú Khải Lâm bao giờ về vậy? Chú hứa dạy con gấp máy bay giấy mà.”


Chị tôi mỉm cười, nhẹ nhàng xoa đầu con bé: “Sắp rồi con yêu, vài hôm nữa là chú tới thôi.”


“Chú gọi cho con hôm qua rồi đấy.” Con bé hồn nhiên kể. “Chú bảo sẽ mang thật nhiều quà cho con.”


Tôi quay sang nhìn chị, trong ánh mắt của chị cũng hiện rõ sự bất ngờ. Rõ ràng là chị không hề biết gì về cuộc gọi ấy.


“Con nhận được cuộc gọi lúc nào?” Chị tôi hỏi lại.


“Thì hôm qua mà, lúc mẹ với bố đi ra ngoài ấy. Chú Khải Lâm gọi cho con, nói rất nhớ cả nhà mình, bảo sắp về rồi.” Con bé cười khúc khích, không hề nhận ra sự hoang mang đang lan ra trên gương mặt người lớn.


Tối hôm ấy, vì vừa đi lễ tổ tiên nên cả đại gia đình tụ họp đông đủ ở nhà tổ. Tổng cộng có mười một người lớn, kèm theo ba đứa nhỏ.


Sau bữa ăn tối, tôi giả vờ hỏi một cách thản nhiên: “Dạo này anh họ Khải Lâm làm nghề gì vậy, mọi người biết không?”


Anh tôi nhấp một ngụm rượu rồi đáp: “Nó đang theo phụ xe tải đường dài ở vùng Tây đấy. Tôi nghe bảo sắp học xong rồi, chuẩn bị được lái xe giao hàng riêng.”


Chú ba nhíu mày: “Ơ, tôi lại nhớ nó làm lập trình viên ở Bắc Kinh cơ mà? Đợt trước còn gọi cho tôi than thở chuyện tăng ca miết.”


Bác gái tôi thì đặt đũa xuống bàn, ngạc nhiên: “Ủa? Tôi lại tưởng nó đang làm ở một nhà máy điện tử dưới miền Nam? Hình như là tổ trưởng ca kíp thì phải?”


Cả căn phòng rơi vào im lặng bối rối.


Tôi liền nói thêm: “Thì dễ thôi, mình gọi điện hỏi trực tiếp anh ấy là rõ ngay mà. Ai có số của anh ấy không, gọi thử xem?”


Mọi người đồng loạt lôi điện thoại ra. Nhưng sau vài phút lục tìm, cả phòng bắt đầu xôn xao.


“Lạ nhỉ, tôi nhớ là mình có số nó mà, sao tìm mãi không thấy?”


“Tôi cũng vậy, chẳng thấy tên Khải Lâm đâu cả.”


“Không thể nào… tuần trước tôi còn gọi cho nó cơ mà…”


Mười một người, không ai còn lưu số của Khải Lâm. Không một ai.


Sự bất an lặng lẽ lan ra như sương mù mùa đông. Cảm giác bất ổn hiện rõ trên gương mặt từng người.


Anh tôi đặt ly rượu xuống bàn, giọng nghiêm túc: “Thôi được rồi. Tất cả mọi người ngồi lại, nói cho rõ ràng xem Khải Lâm là người thế nào, rốt cuộc chúng ta đã từng gặp anh ta chưa.”


Không khí đột nhiên nặng nề hẳn. Ai nấy đều im lặng.


Bác gái và cô tôi đưa ba đứa nhỏ lên lầu ngủ. Mấy người đàn ông thì bắt tay dọn dẹp mâm bát, rồi bày mười một cái ly lên bàn trà, rót đầy nước cho từng người.


Nửa tiếng sau, tất cả quay lại phòng khách.


Anh tôi là người mở lời đầu tiên. Anh cầm tách trà lên, nhấp một ngụm rồi chậm rãi nói: “Tôi nhớ rất rõ. Khải Lâm năm nay khoảng ba mươi lăm tuổi, cao to, khỏe mạnh, làm nghề lái xe tải đường dài. Tết năm ngoái, nó còn ngồi nói chuyện với tôi cả buổi về tuyến đường đi Tây Bắc, bảo đường xấu, hao xăng lắm.”


Chú ba đẩy kính, cau mày: “Không thể nào. Tôi chắc chắn nó chưa tới ba mươi đâu. Là dân công nghệ, gầy, đeo kính gọng đen, làm lập trình viên. Còn than ‘996’ với tôi suốt mấy tháng trước kia mà.”


Bác gái liền phản bác: “Các cậu nhầm lẫn hết rồi. Tôi nhớ rất rõ, Khải Lâm năm nay ba mươi hai, làm tổ trưởng phân xưởng ở Phùng Thành. Người trắng trẻo, đầy đặn, miệng mồm khéo léo, ai gặp cũng quý mến.”


Tôi ngồi im lặng, ghi chép lại tất cả. Tim tôi bắt đầu đập mạnh. Cùng một người, sao lại có ba mô tả hoàn toàn trái ngược – từ độ tuổi, nghề nghiệp, đến cả dáng vẻ?


Cô tôi chậm rãi góp lời: “Tôi nhớ hồi nhỏ, Khải Lâm ít nói, suốt ngày ngồi đọc sách một mình, rất trầm tính.”


Bố tôi gạt đi ngay: “Sao thế được! Hồi nhỏ nó hiếu động lắm, trèo cây, bắt tổ chim, nghịch khắp làng.”


Chị họ tôi chen vào: “Tôi nhớ nó là con một.”


Bác cả lại cắt lời: “Không đúng, nó có một em gái.”


Thím ba nhíu mày chỉnh lại: “Phải là em trai mới đúng chứ!”


Càng lúc không khí càng trở nên khó hiểu. Tôi liếc quanh, trên gương mặt ai cũng thoáng hiện vẻ hoang mang tột độ, ánh mắt lấp lánh nét lo lắng không giấu nổi.


Tôi lên tiếng, như đánh vào điểm mấu chốt: “Vậy… bố mẹ của Khải Lâm là ai?”


Cô tôi định trả lời, nhưng rồi chợt khựng lại. “Hình như là bên phía thím ba thì phải?”


Thím ba lập tức lắc đầu: “Không, nó không phải người nhà tôi.”


Lúc này, sự im lặng bao trùm cả căn phòng. Không ai có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn.


Tôi lại hỏi: “Vậy lần gần nhất mọi người gặp Khải Lâm là khi nào, ở đâu?”


Bố tôi ngẫm nghĩ rồi đáp: “Tết vừa rồi. Nó tới nhà mình, dạy con nấu món sườn xào chua ngọt. Cả buổi chiều, hai bố con cùng nó loay hoay trong bếp.”


Tôi lặng lẽ ngẩng đầu nhìn ông, rồi nhẹ nhàng nói: “Tết năm nay con đi du lịch nước ngoài, có về nhà đâu.”


Bố tôi sững người, gương mặt như đông cứng lại khi nhận ra điều đó.


Bác tôi tiếp lời, có vẻ muốn cứu vãn: “Cuối tuần trước nó ghé qua nhà tôi sửa máy tính, còn ngồi uống rượu nữa.”


Tôi nhìn sang bác gái: “Bác có nhớ không ạ?”


Bác gái lắc đầu, vẻ hoang mang: “Cuối tuần trước hai bác về quê nội, không có ở nhà.”


Bác tôi ngẩn người, lắp bắp: “Không… rõ ràng là tôi nhớ…”


Tôi ngắt lời: “Vậy thử vẽ chân dung đi. Ai cũng nói từng gặp anh ấy, mỗi người thử vẽ theo trí nhớ của mình xem.”


Ngay lập tức, mười một tờ giấy được chia ra. Chẳng mấy chốc, những nét vẽ nguệch ngoạc hiện lên.


Người thì vẽ một người đàn ông cao lớn vạm vỡ, người lại vẽ dáng người thấp bé lanh lợi. Có người vẽ anh ta đeo kính, người lại vẽ đầu trọc lốc. Có người vẽ gương mặt đầy râu ria, người lại vẽ vẻ thư sinh hiền lành.


Tôi nhìn từng bức chân dung được trải trên bàn, tim như bị siết chặt.


Không một hình ảnh nào giống cái còn lại.


Tựa như chúng tôi đang mô tả mười một con người hoàn toàn khác nhau.


Anh tôi thì thào, mắt nhìn chằm chằm vào những bức vẽ trước mặt: “Chuyện này không thể nào xảy ra được… Làm sao tất cả chúng ta lại có thể nhớ hoàn toàn khác nhau về cùng một người chứ?”


Bác tôi chợt bừng sáng đôi mắt, giọng đầy phấn khích: “Tôi nhớ ra rồi! Khải Lâm biết làm ảo thuật! Năm nào Tết đến, nó cũng biểu diễn vài trò cho cả nhà xem.”


“Đúng rồi! Nó biết ảo thuật mà!” – Vài người đồng thanh lên tiếng, như tìm được một điểm chung hiếm hoi giữa những ký ức rời rạc.


Dường như đó là điều duy nhất mà mọi người có thể nhất trí với nhau.


Khi cả nhóm người lớn vẫn còn đang chìm trong im lặng nặng nề, bỗng từ phía cầu thang vang lên một tiếng động khẽ.


Con gái chị họ tôi bước loạng choạng xuống, tay cầm theo một gói khoai tây chiên còn mới.


Chị tôi lập tức đứng bật dậy: “Sao con chưa ngủ mà lại xuống đây?”


Cô bé lắc lắc gói khoai trong tay, mắt vẫn còn ngái ngủ: “Chú Khải Lâm vừa gọi con dậy, cho con cái này nè. Mẹ có ăn không?”


Không gian lập tức như đông cứng.


Khải Lâm… đã ở trên lầu?

NovelBum, 17/05/2025 21:59:57

Cài đặt giao diện

Cỡ chữ (px):

Cách dòng (px):

Font chữ :

Kiểu nền

Màu chữ :

Màu nền :

Tủ truyện