Trong một xã hội vẫn còn mang nặng định kiến “trọng nam khinh nữ”, có những người con gái từ khi sinh ra đã phải học cách giành lấy từng chút tình thương — thậm chí là từ chính cha mẹ ruột của mình.
Câu chuyện hôm nay kể về một người chị dâu, một người mẹ, và một người vợ... bị kẹt giữa hai chữ "hiếu" và "tình", giữa nhà chồng và nhà mẹ đẻ.
Khi mười căn nhà đền bù trở thành ngòi nổ cho những tranh chấp, giả dối, và lòng tham — cũng là lúc lòng người bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.
Nhưng giữa sóng gió ấy, vẫn có một người con gái kiên cường đứng lên, để bảo vệ ba mẹ, con gái và cả giá trị của chính mình.
Đây là câu chuyện khiến ta phải suy ngẫm:
Con gái cũng là máu mủ — tại sao lại không được quyền được yêu thương như con trai?
*****
Vì khu đất bị thu hồi để xây sân bay nên nhà tôi được đền bù, một lần nhận được mười căn nhà cùng mười triệu tệ.
Ngay khi vừa nhận được khoản bồi thường, ba mẹ tôi đã nói rõ: tiền thì giữ lại để dưỡng già, còn nhà thì chia cho tôi và anh trai, mỗi người một nửa.
Tôi không có ý kiến.
Anh trai tôi cũng không có ý kiến.
Chỉ đến khi chị dâu vừa mới sinh con gái thì bắt đầu lên tiếng.
"Nhà ai mà tốt đến mức chia nhà cho con gái đã gả đi chứ? Chuyện này mà để bên nhà tôi biết thì chắc bị cười đến rụng xương sống mất."
Tôi liếc nhìn đứa cháu gái còn đỏ hỏn trong vòng tay chị ấy, rồi lại nhìn chị dâu – Trương Việt.
Tôi thật sự nghi ngờ không biết mình có nghe nhầm hay không.
Thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn có người phụ nữ thốt ra được những lời cổ hủ như vậy sao?
"Ba mẹ, con nghĩ rồi, tốt nhất nên chuyển hết mười căn nhà sang tên Ninh Ninh, coi như cho con bé một chỗ dựa, để sau này lấy chồng không phải chịu uất ức ở nhà chồng."
Ninh Ninh là cháu gái tôi, mới sinh được một tháng.
Khi chị dâu nói ra câu đó, ánh mắt chị không rõ là cố tình hay vô ý mà lại liếc về phía tôi, như thể tôi chính là nguyên nhân khiến chị ấy phải uất ức trong ngôi nhà này vậy.
Ba mẹ tôi lúc ấy mặt mày khó coi, nhưng không nói gì, chỉ giao lại cho anh trai tôi xử lý.
Anh tôi thoáng sững người, rồi nói: "Nhà là của ba mẹ tôi, họ muốn cho ai là quyền của họ, đâu thể ép buộc được. Với lại, Ninh Ninh đâu phải con gái họ, tại sao lại phải cho con bé chỗ dựa?"
Nói xong, anh quay sang chỉ vào tôi:
"Cô ấy mới là con gái ruột của ba mẹ."
"Con ai, người đó tự lo."
Trong lòng tôi âm thầm tặng anh trai một nghìn cái "like".
Anh tôi vốn ít nói, nhưng đến lúc quan trọng thì chưa bao giờ chùn bước.
Chị dâu tức đến phát khóc:
“Ý mấy người là sao? Cả nhà tụ tập lại bắt nạt tôi chỉ vì tôi sinh con gái không có giá trị gì à?”
“Được thôi, nếu không chịu chuyển nhà cho Ninh Ninh thì tôi sẽ để con bé mang họ tôi, sau này không liên quan gì đến cái nhà này nữa!”
“Sau này tôi không phụng dưỡng ba mẹ anh đâu, cũng đừng trách tôi tuyệt tình, là tại nhà anh làm người không ra người trước!”
Anh tôi thấy chị dâu quá vô lý, nhưng lại sợ cãi nhau sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau sinh, chỉ đáp lại một câu: “Chuyện này để sau rồi bàn” rồi bỏ đi.
Nhưng chị dâu thì không chịu buông, ở nhà làm ầm ĩ suốt mấy ngày liền.
Không chỉ không chịu ăn những món mẹ tôi tỉ mỉ nấu cho, chị còn không cho ba mẹ tôi bế cháu.
Mỗi lần ba mẹ nhìn cháu gái bằng ánh mắt đầy yêu thương, chị lại buông lời mỉa mai:
“Liên quan gì đến nhà mấy người đâu?”
Khi cháu khóc, chị ấy còn bóng gió cay độc:
“Con cũng biết mình không thuộc về cái nhà này phải không? Khóc đi, con gái tội nghiệp của mẹ.”
Anh tôi khuyên chị đừng làm quá, chị liền cầm đèn bàn đập vào trán anh đến mức phải đi khâu ba mũi.
Anh tức đến nghiến răng, nhưng vì sợ chị sinh bệnh, nên đành nhẫn nhịn hết lần này đến lần khác.
Chưa dừng lại ở đó, chị còn cố tình tạo hiện trường giả, bịa chuyện con gái tôi đánh con gái chị, rồi nói với ba mẹ tôi:
“Người ngoài thì không thể tin được.”
Thậm chí, chị ấy còn chuyển cho ba mẹ tôi mấy bài viết với nội dung đầy ác ý:
【Ba mẹ thiên vị, đừng trách con dâu không phụng dưỡng】
【Con dâu mới là chủ nhà, người già phải học cách lấy lòng con dâu】
【Ông bà hồ đồ mua nhà cho con gái, cuối cùng lại nhận quả đắng】
Những dòng chữ đó khiến ba mẹ tôi tức giận đến mất ngủ mấy đêm liền.
Gần đây, tôi cứ mãi suy nghĩ về những lời chị dâu nói.
Sau khi bàn bạc với chồng, anh ấy lại thấy mọi chuyện chẳng có gì nghiêm trọng.
Dù sao anh cũng là trẻ mồ côi, không có gì gọi là “ngai vàng” để truyền lại, con theo họ ai cũng được.
Ngay ngày hôm đó, anh ấy đưa con gái một tuổi của chúng tôi đi đổi họ, theo họ tôi!
Tên con bé là: Chu An An.
Ba tôi cầm sổ hộ khẩu mới trên tay, vừa ngỡ ngàng vừa ngổn ngang cảm xúc.
Khi tôi và chồng mới kết hôn, anh từng nói sẽ đổi họ cho con.
Vì biết anh là trẻ mồ côi, ba mẹ tôi thương anh vô cùng, đối xử hết sức tử tế, sợ anh chịu khổ hay bị lạnh nhạt.
Quan trọng hơn, anh luôn khao khát có được một gia đình thực sự.
“Trần Viễn là đứa con rể hiếu thảo, ba không nhìn nhầm người.”
Ba mẹ tôi nói vậy không phải chỉ vì anh đồng ý để con gái theo họ tôi, mà bởi vì họ thật lòng thương anh.
Tôi nói:
“Ba mẹ, con nghĩ kỹ rồi. Chị dâu chẳng phải cứ đòi chuyển mười căn nhà, nếu không sẽ để Ninh Ninh đổi họ, còn dọa sẽ không lo cho ba mẹ nữa sao? Vậy thì thế này: con để An An theo họ ba, ba mẹ chuyển hết mười căn nhà sang tên con bé, còn việc dưỡng già, con sẽ lo toàn bộ. Không cần anh hai và chị dâu góp một đồng hay bỏ chút công sức nào cả.”
Mẹ tôi có chút lo lắng:
“Lỡ chị dâu con biết chuyện thì chắc chắn sẽ làm ầm ĩ cả nhà lên. Ba mẹ chị ta liệu có chịu để yên không?”
Bình luận ()
* Hãy đăng nhập để tham gia bình luận về truyện nhé.